Ngày 16/9/2022, tại hội trường Công an tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh;
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Đăng ngày: 16/01/2018 - Lượt xem: 210
Cán bộ trẻ, được chọn và tôi luyện

Việc thi hành kỷ luật một số cán bộ trẻ gần đây, trong đó có những cán bộ cấp chiến lược để lại bài học sâu sắc về kiểm soát quyền lực, về ý thức tự rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng ...

Cán bộ trẻ, được chọn và tôi luyện

         Hệ quả tất yếu

         Quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, khóa XII; Phó Bí thư Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020, thể hiện sự nghiêm minh trong kỷ luật đảng, sự nhất quán trong chỉ đạo và hành động của Đảng, cấp trên làm gương cho cấp dưới trong quyết tâm đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó là hệ quả tất yếu đối với những cán bộ có chức, có quyền nhưng thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản thân; đồng thời là câu trả lời thỏa đáng đối với ý nguyện và bức xúc của dư luận trước những sai phạm của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, có tầm ảnh hưởng sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương và rộng hơn là sự nghiệp của Đảng.

         Sự việc thêm một lần nữa nhắc nhở bài học đắt giá trong công tác xây dựng Đảng nói chung, đối với mỗi đảng bộ có đảng viên vi phạm nói riêng và là bài học cảnh tỉnh cho các đảng viên, nhất là những cán bộ trẻ về tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện. Đồng chí Tất Thành Cang từng được đánh giá là cán bộ trẻ có năng lực, được đào tạo bài bản (cử nhân chính trị; thạc sĩ luật) và trưởng thành qua nhiều vị trí trong hệ thống chính trị từ cơ quan quản lý nhà nước đến cơ quan đảng trong Đảng bộ TP Hồ Chí Minh. Tại Đại hội XI của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư khi vừa tròn 40 tuổi. 5 năm sau, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII. Trên cương vị của mình, đồng chí là người hiểu rõ quy chế làm việc, thẩm quyền, mối quan hệ trách nhiệm cá nhân - tập thể, quy trình xử lý công việc…, nhưng đồng chí đã tự quyết định những việc hệ trọng mà không thông qua tập thể Ban Thường vụ là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nhà nước, có trình độ thạc sĩ luật, không lẽ đồng chí không nắm rõ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp, về giá, về quản lý, sử dụng vốn nhà nước và đầu tư sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp? Những quyết định có tính lộng quyền của đồng chí không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, cơ quan đảng và một số cán bộ, đảng viên khác.

         Điều đáng lưu ý là những quyết định “vội vàng” của đồng chí Tất Thành Cang về chấp thuận chủ trương hợp tác đầu tư chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng phần diện tích đất đã đền bù, được đưa ra trong bối cảnh có biến động về nhân sự Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

         Mặc dù Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khắc phục hậu quả, giảm thiệt hại về kinh tế cho ngân sách Đảng bộ thành phố, nhưng sai phạm của đồng chí Tất Thành Cang đã để lại bài học sâu sắc về quản lý tài chính, tài sản của Đảng, đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi cần được trả lời về trách nhiệm quản lý, giáo dục, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, quyền; về trách nhiệm đấu tranh với những biểu hiện, hành vi sai trái của đồng chí, đồng nghiệp và nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

         Được chọn và tôi luyện

         Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có năm đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng đương nhiệm, ba đồng chí trong số này đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Đáng tiếc là có hai cán bộ trẻ, từng được đặt nhiều kỳ vọng trở thành thế hệ kế cận, tiếp nối sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần kiến tạo con đường phát triển của những “đầu tàu kinh tế” vùng: Nguyễn Xuân Anh và Tất Thành Cang.

         Chính sự nôn nóng, chưa đủ “chín” và có lẽ quan trọng hơn là thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến bị thoái hóa bởi quyền lực, cho nên họ đều vấp ngã khi ở đỉnh cao danh vọng. Không khó để nhận thấy trong mỗi sai phạm của cá nhân, nhất là những cán bộ chủ chốt, có trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ, cơ quan nơi các đồng chí sinh hoạt, công tác. Công tác tự phê bình và phê bình ở đó chưa trở thành công cụ hữu hiệu để phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực của đồng chí, đồng nghiệp. Cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát người có vị trí, quyền lực chưa phát huy tác dụng, để họ tự tung, tự tác, hành động không đúng nguyên tắc, thậm chí làm bừa.

         Trẻ hóa đội ngũ cán bộ là yêu cầu thực tế, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của quá trình phát triển và hội nhập của đất nước. Mục tiêu của Nghị quyết T.Ư 7, khóa XII đã đề ra, đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó có yêu cầu bắt buộc về tỷ lệ cán bộ trẻ, cụ thể là, đối với cán bộ cấp chiến lược: hơn 15% số cán bộ dưới 45 tuổi, từ 40 đến 50% số cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương: Từ 20 đến 25% số cán bộ dưới 40 tuổi; đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương: từ 15 đến 20% cán bộ dưới 40 tuổi và từ 20 đến 25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi…

         Đó là chủ trương đúng đắn với kỳ vọng đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ, tạo môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đồng thời thể hiện sự trân trọng tài năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ trẻ. Tuy nhiên, lựa chọn, bồi dưỡng, rèn luyện họ trưởng thành, đủ bản lĩnh chính trị, toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp xây dựng Đảng, phát triển đất nước cần có sự chia sẻ trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế.

         Trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, yêu cầu trẻ hóa luôn được đặt quan trọng ngang hàng với các tiêu chuẩn, tiêu chí khác. Chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ đại hội đảng các cấp sắp tới, công tác quy hoạch, bồi dưỡng càng cần được các cấp ủy quan tâm trên nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công tâm, đúng quy trình, quy định, bảo đảm cả về số lượng, cơ cấu và nâng cao chất lượng. Chọn đúng người đã khó, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển cán bộ đúng hướng, để khi họ được trao quyền mà không bị tha hóa cần cả quá trình và không dễ chút nào.

         Tại Hội nghị T.Ư 9, khóa XII mới đây, một lần nữa Trung ương nhấn mạnh, cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa hết sức quan trọng, với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ, công phu. Hơn 200 đồng chí được Trung ương tín nhiệm giới thiệu phần lớn là những cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng, có đóng góp xuất sắc đối với sự phát triển chung của địa phương, đơn vị, tỉnh, thành phố, cơ quan trung ương. Để những “hạt giống đỏ” phát triển bền vững, cấp ủy, chi bộ, cơ quan, đơn vị, đồng chí, đồng nghiệp không thể lơ là nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, để người được chọn trưởng thành vững vàng qua thử thách; tránh lặp lại những hậu quả đáng tiếc như những trường hợp nêu trên.

         Lựa chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ trẻ, có triển vọng là việc làm cần thiết trước mắt và lâu dài, đi liền với đó phải có cơ chế, chế tài kiểm tra, kiểm soát, giám sát quyền lực. Nhưng chế tài nào cũng không thể thay thế được “chế tài đạo đức”, lòng tự trọng của mỗi người để tự tôi luyện bản thân, đủ năng lực đề kháng trước mọi cám dỗ tầm thường. Nhận thức đúng, đủ, hành động sáng suốt, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân và của Đảng lên trên hết là trách nhiệm của mỗi cấp ủy, cán bộ, đảng viên. Điều này càng cần được coi trọng trong giai đoạn hiện nay, nhằm tập trung xây dựng cho được đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Theo Báo Nhân dân - Số ra ngày 08/01/2019

Tin liên quan