Ngày 16/9/2022, tại hội trường Công an tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh;
Di tích lịch sử - văn hóa Hưng Yên
Đăng ngày: 16/01/2018 - Lượt xem: 222
Sắc xuân Phố Hiến

Phố Hiến là một đô thị cổ hình thành và phát triển rất nhanh từ thế kỷ XVI, cực thịnh vào thế kỷ XVII. Đây là một thương cảng lớn, phồn thịnh và sầm uất, một tiểu Tràng An bốn phương hội tụ đã đi vào câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. ...

Sắc xuân Phố Hiến

 

         1. Văn miếu Xích Đằng

         Văn miếu Xích Đằng (Văn miếu Hưng Yên) thuộc địa phận thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, được khởi dựng từ thế kỷ XVII và trùng tu, tôn tạo lớn vào năm Minh Mệnh thứ 20 (1839).

         Văn miếu thờ Đức tôn là “Vạn thế sư biểu” và các chư hiền của Nho gia cùng Chu Văn An, người thày giáo, người hiệu trưởng đầu tiên của trường Quốc Tử Giám.

         Kiến trúc của Văn miếu Hưng Yên hiện còn rất đồng bộ, vững chắc, mang đậm phong cách cung đình Huế triều Nguyễn gồm: Tam quan, lầu chuông, lầu khánh, hai giải vũ và khu thờ chính kết cấu kiểu chữ Tam. Nơi đây còn bảo lưu 09 tấm bia đá ghi danh các nhà khoa bảng Hưng Yên thời phong kiến cùng một số hiện vật tiêu biểu như: Chuông đồng (1804), khánh đá (1803), cửa võng, đại tự, câu đối…

         Hàng năm, vào ngày mồng 4-5 Tết (âm lịch), tại Văn miếu diễn ra các hoạt động như: Tế lễ, dâng hương, hát ca trù, cho chữ đầu xuân…Văn miếu Xích Đằng là di tích lịch sử văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, nơi tập trung tất cả tinh hoa trí tuệ của đất và người Hưng Yên.

 

         2. Đền Mây

 

         Đền Mây thuộc địa phận thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn. Đền thờ Tướng quân Phạm Bạch Hổ (910 - 983), tự là Phạm Phòng Át - vị tướng tài ba, một trong nhập thị sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh.

         Theo truyền ngôn, đền được khởi dựng từ thế kỷ thứ X với quy mô lớn. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo (1882, 1898), đền hiện có kiến trúc kiểu chữ Tam với các hạng mục công trình đồ sộ mang đặc trưng nghệ thuật chạm khắc thời Lê - Nguyễn đan xen. Tại đền còn lưu giữ được 18 đạo sắc phong, cùng nhiều cổ vật có giá trị như: Tượng thờ, châm thư, câu đối, bia đá,…

Hàng năm, đền Mây thường tổ chức lễ hội vào ba dịp: từ 8-16.1, 16-24.6 và 12-18.11 âm lịch.

         

         3. Đền Kim Đằng

 

         Đền Kim Đằng tọa lạc tại thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn. Đền thờ Tướng quân Đinh Điền và phu nhân. Ông là một trong những đệ nhất công thần giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân vào thế kỷ thứ X.

Đền được khởi dựng từ sớm và đã trải quan nhiều lần trùng tu. Hiện nay, ngôi đền khang trang, sạch đẹp nằm trong tổng thể hài hòa, các hạng mục công trình đồng bộ, vững chắc với kết cấu kiểu chữ Đinh. Đền còn bảo lưu được 11 đạo sắc phong, cùng ngai thờ, chuông đồng,..

         

         4. Chùa Chuông (Kim Chung tự)

         Chùa Chuông tọa lạc tại khu phố Nhân Dục, phường Hiến Nam. Đây là một trong những ngôi chùa tiêu biểu, đặc sắc, cảnh đẹp đứng vào hàng “danh lam cổ tích” trong Khu di tích Phố Hiến.

         Chùa khởi dựng từ khá sớm, gắn liền với truyền thuyết quả chuông vàng. Đến năm 1702 và 1711, chùa được đại trùng tu với quy mô lớn và hoàn chỉnh mang dấu ấn kiến trúc chùa Việt Nam thời Hậu Lê. Chùa có kết cấu kiểu “Nội công ngoại quốc” liên hoàn, cùng “Tứ thủy quy đường” gồm nhiều hạng mục được bố trí đăng đối, hài hòa nằm trên trục đối xứng từ Tam quan đến Nhà mẫu.

         Chùa đẹp và nổi tiếng không chỉ bởi cảnh quan mà còn nhờ hệ thống tượng phật phong phú, đặc sắc như: Thập Bát La Hán, Thập Điện Diêm Vương cùng bộ Tứ Trấn và Bát Bộ Kim Cương,… Đặc biệt, ngôi chùa còn bảo lưu tấm bia đá lớn dựng năm 1711, ghi lại hơn 20 phường, chợ của Phố Hiến trong thời kỳ phồn thịnh.

 

         5. Đình An Vũ

         Đình An Vũ tọa lạc tại phố An Vũ, phường Hiến Nam. Đình thờ Cao Sơn Đại vương, người có công giúp Hùng Duệ Vương chống quân Thục xâm lược, giành độc lập cho dân tộc.

Đình xây dựng vào thời Lê Cảnh Hưng (1741) và trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn (1929). Hiện nay, đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh, các hạng mục còn đồng bộ, với nhiều mảng chạm khắc mang đậm phong cách mỹ thuật thời Hậu Lê. Tại đình còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị như: 05 đạo sắc phong, kiệu bát cống, chuông đồng, đỉnh đồng…

 

         6. Đền Nam Hòa

Đền Nam Hòa nằm trên khu phố Nam Hòa, phường Hiến Nam. Đền thờ ba vị thiên thần là Đức thiên quan đại vương, Đức thổ địa long thần và Đức thủy phủ động đình quân tôn thần. Các vị là những người có công với nước, với dân và vô cùng linh ứng.

Lễ hội chính diễn ra vào hai dịp tháng 3 và tháng 8 hàng năm để tưởng nhớ công lao của các vị thần.

 

         7. Đền Trần

         Đền Trần nằm trên đường Bãi Sậy, phường Quang Trung. Tương truyền, mảnh đất này trước đây là nơi đóng quân của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Đền được khởi dựng từ thời Trần. Đến thời Nguyễn (1863), đền được trùng tu với quy mô lớn và có kiến trúc như ngày nay gồm ba tòa Tiền tế, Trung từ và Hậu cung. Tại đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 10 đạo sắc phong, bản khắc thẻ, bia đá, ngai thờ,…

Hàng năm, đền Trần tổ chức lễ hội vào ngày 20.8 và mồng 8.3 (âm lịch) cùng dịp với các lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến.

 

         8. Đền Mẫu

         Đền Mẫu, phường Quang Trung là di tích tiêu biểu của Phố Hiến - Hưng Yên, nằm ven hồ Bán Nguyệt thơ mộng, phía trước là sông Hồng, bến Đá - nơi những đoàn thuyền trong và ngoài nước cập bến buôn bán ở Phố Hiến xưa. Đền thờ bà Dương Quý Phi, nhà Tống (Trung Quốc), được người đời tán xưng là Mẫu nghi thiên hạ.

Ngôi đền được khởi dựng từ thời Trần (1279); đến triều Nguyễn (1896), đền được đại trùng tu và có quy mô như hiện nay gồm 5 tòa với những nét kiến trúc rất riêng, cổ kính, ẩn hiện trong tán cây đại thụ đã hơn bảy trăm năm tuổi.

         Đền còn bảo lưu nhiều cổ vật, đồ thờ quý như: 15 đạo sắc phong, long sàng, long kỷ, kiệu võng, châm thư,…mang đậm dấu ấn thời Lê - Nguyễn.

Lễ hội đền Mẫu diễn ra từ ngày 10 - 15 (âm lịch), đây là một lễ hội lớn còn bảo lưu nhiều giá trị tạo nên bản sắc độc đáo của văn hóa Hưng Yên trong vùng châu thổ Bắc Bộ.

 

         9. Chùa Phố (Bắc Hòa Nhân Dân tự)

         Tọa lạc tại phố Trưng Trắc, phường Quang Trung, chùa Phố là di tích minh chứng cho sự tồn tại của người Hoa ở lại Phố Hiến sau thời kỳ hưng thịnh.

Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay, chùa là sự kết hợp của phong cách kiến trúc truyền thống Việt, Trung Quốc và phương Tây với nhiều hạng mục được làm kiểu trùng thiềm điệp ốc nối tiếp nhau.

         Tại chùa còn bảo lưu một số hiện vật, đồ thờ có giá trị như: Bia đá, chuông đồng, bát hương…

 

         10. Đền Thiên Hậu

         Đền Thiên Hậu thuộc khu phố Bắc Hòa của Phố Hiến xưa, nay là đường Trưng Trắc, phường Quang Trung. Đền thờ bà Lâm Tức Mặc - là một vị thần biển của người Hoa, có công giúp dân, giúp nước.

         Đền được xây dựng vào năm 1640 do 14 dòng họ người Trung Quốc ở Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến quyên góp tiền của kết hợp với nghệ nhân Việt dựng lên, mang đậm màu sắc kiến trúc Trung Hoa. Tại đền còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như: Bia đá, nghê đá, hoành phi, câu đối, kiệu Mẫu, bộ ngũ sự bằng thiếc…

Hàng năm, đền Thiên Hậu mở hội vào ngày 23.3 và ngày 9.9 (âm lịch) để kỷ niệm ngày sinh và ngày hóa của Thánh Mẫu.

 

         11. Võ miếu

         Võ miếu tọa lạc trên đường Trưng Trắc, phường Quang Trung, là di tích thờ Quan Công - một nhân vật lịch sử nổi tiếng thời Tam Quốc (Trung Quốc).

         Võ miếu do người Hoa sinh sống tại Phố Hiến xây dựng từ thời Lê Cảnh Hưng (1740) và được trùng tu, tôn tạo lớn dưới thời Nguyễn (1898), mang phong cách Việt pha kiến trúc Phúc Kiến. Tại          đây còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị do người Hoa mang từ bản địa sang Phố Hiến gồm: Tượng thờ, câu đối, hoành phi, ngai thờ…

Lễ hội truyền thống của Võ miếu diễn ra vào ngày 13.5 (âm lịch) để tưởng nhớ ngày sinh của Quan Công.

 

         12. Đền Bà Chúa Kho

         Đền Bà Chúa Kho tọa lạc tại đường Điện Biên III, phường Quang Trung trong cảnh quan không gian đẹp, thoáng đãng với kiến trúc kiểu chữ Nhị. Đền thờ bà Lê Bạch Nương (thời Lê) - người được giao trọng trách giữ ngân khố quốc gia ở Vĩnh Ty Đồn (thành phố Hưng Yên ngày nay). Để tưởng nhớ công lao của bà, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống vào ngày 1 - 3.3 (âm lịch).

 

         13. Đình, chùa Hiến

         Cụm đình, chùa Hiến tọa lạc trong khuôn viên thoáng rộng, cạnh đường Phố Hiến, phường Hồng Châu. Đình được khởi dựng dưới thời Lê, thờ Quan thái giám họ Du (Trung Quốc). Ông là người có công xây dựng đền Mẫu thờ Dương Quý Phi nhà Tống, hướng dẫn dân phát triển nghề nông, buôn bán và đánh cá. Trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, hiện nay, đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh, với nhiều mảng chạm khắc mang dấu ấn mĩ thuật thời Lê - Nguyễn đan xen.

Chùa Hiến (Thiên Ứng tự) được khởi dựng vào cuối thời Lý, đầu thời Trần và được trùng tu lớn vào thời Nguyễn (1892). Hiện nay, chùa có kiến trúc kiểu “Nội công ngoại quốc”. Tại sân chùa có cây nhãn tổ nổi tiếng lâu đời cùng hai tấm bia đá cổ (1625 và 1709) lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử có liên quan đến quá trình tụ cư, phát triển của thương cảng Phố Hiến.

 

         14. Đông Đô Quảng Hội - Thiên Hậu Cung

Tọa lạc trên đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, xưa kia đây là nơi hội họp của các thương nhân nước ngoài, chủ yếu là người Hoa sang buôn bán ở Phố Hiến thế kỷ XVI - XVII.

Đông Đô Quảng Hội là nơi thờ ba vị tam thánh của người Hoa là Thần Thái Y, Thần Hoa Quang và Thần Nông. Thiên Hậu Cung thờ bà Lâm Tức Mặc - vị thần hàng hải của người Phúc Kiến.

Cụm di tích được khởi dựng vào thế kỷ XVI (1590) do 14 dòng họ người Hoa quyên góp nguyên vật liệu, đồ tế khí để xây dựng lên. Ban đầu, Đông Đô Quảng Hội và Thiên Hậu Cung có kiến trúc kiểu chữ Nhị. Về sau, cụm di tích được trùng tu, tôn tạo lại với kết cấu kiểu chữ Công. Hiện cụm di tích còn lưu giữ được nhiều đồ tế tự quý hiếm như: Bát hương, đền đồng thế kỷ XVII, bộ đồ ngũ sự bằng đồng thau,…

Lễ hội truyền thống của di tích diễn ra vào ngày 10.10 (âm lịch) hàng năm.

 

         15. Chùa Nễ Châu (Thụy Ứng tự)

Tọa lạc tại thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, chùa Nễ Châu được khởi dựng từ sớm và trải qua nhiều lần trùng tu. Hiện nay, chùa có kết cấu kiểu “Nội công ngoại quốc” gồm nhiều hạng mục, mang đậm phong cách kiến trúc Lê - Nguyễn đan xen. Đặc biệt, ba gian giữa Tiền đường, phía ngoài xà dọc lắp ba bức ván gió chạm khắc lưỡng long khá cầu kỳ và tinh xảo, được các nhà khoa học đánh giá cao về nghệ thuật điêu khắc.

Tại chùa còn lưu giữ hệ thống tượng phong phú cùng nhiều cổ vật quý, tiêu biểu là pho Tuyết sơn, chuông, khánh thời Hậu Lê,…

 

         16. Đền Cửu Thiên Huyền Nữ

Nằm trên phố Điện Biên II, phường Lê Lợi, đền Cửu Thiên Huyền Nữ là nơi thờ Cửu Thiên Huyền Nữ Chân Quân - người có công giúp nhân dân trong lúc hoạn nạn, nguy nan nên được tôn làm thánh.

Hàng năm, lễ hội truyền thống của đền diễn ra vào các ngày 3.3; 20.8 và 9.9 âm lịch để tưởng nhớ công lao của bà.

 

 

Theo Tạp chí Phố Hiến

Tin liên quan