NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18/11/1930 - 18/11/2024) ! ĐOÀN KẾT, ĐOÀN KẾT, ĐẠI ĐOÀN KẾT! THÀNH CÔNG, THÀNH CÔNG, ĐẠI THÀNH CÔNG!
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Đăng ngày: 16/01/2018 - Lượt xem: 1040
Cách làm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Tìm cách đánh giá cán bộ đúng thực tế, kịp thời khắc phục hạn chế, khuyết điểm nhằm nâng cao chất lượng cán bộ và đẩy mạnh cải cách hành chính là các giải pháp hiệu quả của Thành ủy Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết T.Ư ...

Cách làm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Đánh giá cán bộ đúng thực chất

Để tránh hình thức, bảo đảm việc đánh giá cán bộ được thực chất, ngày 16-5-2018, Thành ủy Hà Nội ra Quyết định 3814-QĐ/TU ban hành khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị. Trong đó, thành phố đưa ra thang điểm 100 đối với các tiêu chí và có hướng dẫn định lượng cụ thể, làm căn cứ xếp loại từ không hoàn thành nhiệm vụ đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho tất cả cán bộ, công chức.

Tháng 8-2018, khi xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) bắt đầu thực hiện đánh giá theo quyết định nêu trên, ông Đỗ Duy Nhâm, cán bộ địa chính xã chỉ đạt mức hoàn thành nhiệm vụ. Nguyên nhân là địa phương quá nhiều việc, nhưng cách làm vẫn theo nếp cũ, chưa khoa học, cho nên ông Nhâm không giải quyết các hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bảo đảm tiến độ theo yêu cầu. Tuy nhiên, sang tháng 9 và tháng 10, sau khi được lãnh đạo xã góp ý, ông Nhâm đã sắp xếp công việc một cách hợp lý, nhờ đó nhiệm vụ được hoàn thành trôi chảy hơn. “Việc đánh giá đúng thực tế đã giúp tôi có những căn chỉnh kịp thời, nâng cao chất lượng công việc”, ông Nhâm tự nhìn nhận.

Hiệu quả từ cách đánh giá cán bộ hằng tháng đã giúp cho xã Tiên Dương nói riêng và huyện Đông Anh nói chung từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Quốc Huy cho biết, mặc dù mới triển khai từ tháng 7-2018, nhưng việc đánh giá đã đi vào thực chất hơn, bước đầu tạo không khí dân chủ, giảm dần bệnh hình thức. Tỷ lệ cán bộ, công chức được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 30% theo quy định. Công tác đánh giá đã tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm từ người lao động đến các vị trí lãnh đạo.

Tại nhiều cơ quan, đơn vị, công tác đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức đã thật sự tạo thêm “lực đẩy” cho cấp ủy, chính quyền các cấp. Tại phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), việc đánh giá được triển khai từ đầu năm 2018, nhưng từ tháng 7, thực hiện quyết định của thành phố, phường siết chặt hơn tỷ lệ cán bộ, công chức đạt loại xuất sắc. Hằng tháng, tất cả cán bộ đăng ký kế hoạch công tác, tự chấm điểm, sau đó lãnh đạo UBND phường tổ chức cuộc họp cán bộ, công chức đánh giá lẫn nhau, Chủ tịch UBND phường kết luận chấm điểm mỗi người. Đánh giá như vậy rất công khai, dân chủ, gắn với việc lãnh đạo nêu gương điển hình và rút kinh nghiệm tới cán bộ, công chức ngay trong giao ban hằng tuần.

Tại quận Thanh Xuân, công tác đánh giá cán bộ cũng được thực hiện với yêu cầu khắt khe như vậy. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Minh Tiến cho biết, có trường hợp tự nhận mình là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng khi đưa ra tập thể thấy chưa xứng đáng, sẽ hạ xuống. Ngược lại, có đồng chí làm rất tốt, nhưng lại khiêm tốn chỉ đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên sau thảo luận đều thống nhất nâng lên. Cách làm công khai, thẳng thắn đó thật sự tạo không khí dân chủ khuyến khích cán bộ, công chức mạnh dạn nêu ý kiến, góp ý.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, dù mới thực hiện “đại trà” từ tháng 7-2018, nhưng quy định mới đã từng bước khắc phục những bất cập về công tác đánh giá cán bộ, nhất là tình trạng hình thức, nể nang, thiếu thực chất, không phản ánh đúng vị trí việc làm... Đây là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch, đề bạt, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức theo quy định và theo yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Tăng chỉ số hài lòng

Song song với việc nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Trong đó, cấp ủy không đứng ngoài cuộc mà cùng tham gia vào nhiệm vụ này bằng các chương trình, đề án cụ thể.

Từ năm 2017, thị xã Sơn Tây xây dựng Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính áp dụng trong các xã, phường, giúp lượng hóa kết quả của từng đơn vị. Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây Đỗ Thị Lan Hương cho biết: Đề án đã giúp lượng hóa kết quả triển khai cải cách hành chính trên từng lĩnh vực, với một hệ thống tiêu chí chung, đồng nhất trong theo dõi, đánh giá, giúp thị xã có cái nhìn tổng quan về kết quả triển khai, đồng thời phân loại các xã, phường chính xác. Chỉ số cải cách hành chính của các xã, phường được công bố hằng năm để kịp thời động viên, khen thưởng và tuyên truyền, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm, tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, Hà Nội là đơn vị đầu tiên triển khai chấm điểm cải cách hành chính ở xã, phường. Sau khi hình thức này được triển khai ở bốn đơn vị cấp quận, huyện và được đánh giá tích cực, ngày 16-10-2018, Sở đã ban hành Văn bản số 2348/SNV-CCHC triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp xã để làm căn cứ chấm điểm, xếp hạng cho các xã, phường, thị trấn.

Ở khối các quận, huyện, thị xã, sở, ngành, “cuộc đua” tăng hạng cũng được các đơn vị thực hiện quyết liệt từ khi thành phố thực hiện xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính. Kết quả năm 2017 cho thấy, thứ hạng của các đơn vị ở tốp đầu cơ bản không có nhiều thay đổi, song đã có sự dịch chuyển ở các đơn vị đứng cuối bảng. Cụ thể, năm 2016, hai huyện Thanh Oai và Phú Xuyên thuộc những đơn vị đứng cuối bảng, nhưng tới năm 2017, huyện Phú Xuyên đã vươn lên xếp thứ 24 trong số 30 quận, huyện, thị xã và huyện Thanh Oai vươn lên thứ 20. Ở khối sở, ngành: Thanh tra thành phố và Sở Văn hóa và Thể thao lần lượt xếp thứ 28 và 29 trong năm 2016, đến năm 2017 đã vươn lên xếp thứ 12 và 14.

Để giữ vững vị trí dẫn đầu hai năm liên tục (2016, 2017), Sở Tài chính Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn. Tiêu biểu như, phần mềm “Cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách” đã được Sở Tài chính triển khai đến phòng tài chính - kế hoạch các quận, huyện, thị xã và một số đơn vị thuộc Sở. Nhờ đó, việc cấp mã số được thực hiện nhanh chóng, chính xác.

Tại quận Cầu Giấy, dù đứng thứ chín trong bảng xếp hạng năm 2017 (đã tăng chín bậc so với năm 2016), nhưng quận chưa bằng lòng, mà tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn để nâng hạng. Quận luôn kiểm tra công tác cải cách hành chính để kịp thời chấn chỉnh những đơn vị làm chưa tốt. Từ đầu năm đến nay, UBND quận Cầu Giấy đã kiểm tra đột xuất tại các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường, tập trung vào việc thực hiện kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính…

Qua kiểm tra, UBND quận đã nhắc nhở, xử lý để các đơn vị kịp thời sửa chữa những khuyết điểm. Cụ thể, về việc một công chức bộ phận “một cửa” của UBND phường Dịch Vọng Hậu có thái độ ứng xử cứng nhắc, chưa tạo điều kiện hết mức cho công dân, UBND quận đã chỉ đạo UBND phường Dịch Vọng Hậu điều chuyển công chức này. Từ việc này, UBND quận đã nhắc nhở, chấn chỉnh tất cả các phường rút kinh nghiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Những cách làm cụ thể như vậy đã giúp các cơ quan, đơn vị của Hà Nội nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, thúc đẩy hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ và tăng chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp với cấp ủy, chính quyền các cấp.

 

 

Nguồn: Báo Nhân dân số ra ngày 29/11/2018

Tin liên quan