1. Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên học tập và vận dụng hiệu quả những lời dạy của Bác Hồ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa
Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, vừa giành được chính quyền, Hưng Yên còn gặp vô vàn khó khăn: thực dân Pháp quay lại xâm lược, nạn đói, nạn dốt, hạn hán, lụt lội đe doạ,… Giữa lúc đó, ngày 10/1/1946, Bác về thăm và động viên phong trào, Bác động viên đồng bào Hưng Yên tích cực đắp đê phòng lụt, đoàn kết chặt chẽ và làm việc giúp đỡ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đáp lại tình cảm quan tâm, lời dặn dò ân cần của Bác, Hưng Yên đã đoàn kết, đồng lòng diệt giặc dốt, giặc đói và tích cực chuẩn bị các điều kiện phục vụ chiến đấu.
Tháng 4 năm 1948, tại Hội nghị dân quân toàn quốc ở Việt Bắc, Bác căn dặn cán bộ tỉnh Hưng Yên: Các cô, các chú không có rừng cây, nhưng có rừng dân, dựa vào dân mà kháng chiến. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên không quản hy sinh vất vả, liên tục đứng lên chiến đấu chống lại các cuộc càn quét lớn, có cuộc càn kéo dài cả chục ngày, tràn qua địa bàn tỉnh của thực dân Pháp. Tổng kết kháng chiến, quân và dân Hưng Yên đã chiến đấu 9.022 trận, tiêu diệt 19.275 tên địch, bắt sống 4.917 tên, ra hàng 12.052 tên; thu được nhiều xe quân sự, súng các loại… Hưng Yên được Bác Hồ gửi thư khen, tặng Cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp” cùng nhiều hiện vật cho các đơn vị, tập thể và cá nhân. Được Đảng và Nhà nước khen tặng 10 Huân chương Quân công, 30 Huân chương Chiến công, 3 Huân chương Kháng chiến cùng hàng vạn huân huy chương các loại cho các đơn vị và cá nhân, gia đình có công lao, thành tích trong kháng chiến…
Sau ngày giải phóng quê hương năm 1954, quân dân Hưng Yên bắt tay khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo phát triển sản xuất, phát triển văn hoá xây dựng quê hương. Là tỉnh đồng bằng, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, đất đồng chiêm chớm mưa là úng, nắng lên lại hạn, hằng năm chỉ cấy có một vụ mà vẫn bấp bênh. “Nước” và vấn đề trị thuỷ luôn là nỗi ám ảnh, lo lắng của người nông dân. Trong khi đó, lối làm ăn lại riêng lẻ khiến người nông dân không đủ sức chống lại thiên tai. Giữa lúc đang khó khăn chồng chất, hạn hán đe doạ, ngày 5/1/1958, Bác về thăm, động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh phải tích cực làm thuỷ lợi, phát triển sản xuất. Người ân cần dặn dò “Phải đào sông khơi ngòi, hợp tác nhau lại chống thiên tai”. Vâng lời Bác, nông dân trong tỉnh đã vào các tổ đổi công, hợp tác xã và ra sức đào mương chống hạn. Tiếp đến vụ mùa năm 1958 (3/7/1958), Bác về thăm Hưng Yên, động viên, cổ vũ truyền thống đấu tranh anh dũng, tinh thần lao động cần cù của đồng bào và cán bộ Hưng Yên. Bác chỉ thị phải tranh thủ kỳ được vụ mùa thắng lợi, phấn đấu đưa tỉnh nhà lên một tỉnh gương mẫu trong sự nghiệp đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, góp phần vào công cuộc đấu tranh giành thống nhất nước nhà.
Chỉ tính riêng 2 năm 1958-1959, Bác đã về thăm Hưng Yên sáu lần, cả sáu lần Bác đều căn dặn cán bộ và nhân dân Hưng Yên tập trung làm thuỷ lợi. Những lời dạy của Bác đã được Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên nỗ lực thực hiện, trên khắp các địa phương, nhân dân Hưng Yên sôi nổi thi đua làm thuỷ lợi, quyết tâm “thay trời làm mưa”. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hưng Yên đã đạt được những kết quả đáng mừng, đẩy lùi một bước quan trọng của nạn hạn hán, mở rộng diện tích canh tác, tăng sản lượng lúa và hoa màu. Từ một tỉnh đói nghèo, 18 năm đê vỡ trong thời Pháp thuộc, cấy mười vụ thì mất mùa bảy, tám vụ vì hạn hán…, đến đầu những năm 1960, Hưng Yên không những đủ gạo ăn, còn thừa thóc bán cho Nhà nước, (riêng trong vụ mùa 1960 thừa 2 vạn tấn thóc), toàn tỉnh quyết tâm “đuổi kịp trung nông” trong kế hoạch năm năm lần thứ hai (1961 – 1965). Với những thành tích nổi bật trong công tác thuỷ lợi, Hưng Yên lại một lần nữa vinh dự đón Bác về thăm và được Bác tặng cờ luân lưu "Làm thủy lợi khá nhất" tại Hội nghị tổng kết công tác thuỷ lợi toàn miền Bắc. Niềm vinh dự lớn lao càng góp phần nhân lên sức mạnh, sự quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, chính vì vậy, Hưng Yên không ngừng vươn lên, liên tục 4 năm 1961 – 1964, Hưng Yên đều được Bác Hồ gửi thư khen và được tặng cờ thưởng luân lưu "Làm thuỷ lợi khá nhất".
Cùng với những thành tích to lớn trong công tác thuỷ lợi, theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, quân và dân Hưng Yên còn phấn đấu đạt được những thành tích to lớn trong phong trào hợp tác hoá, bổ túc hoá, quân sự hoá, góp phần vào thành công chung của phong trào Tứ hoá, nhằm phát triển đồng đều, nâng cao dân trí, tiếp thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ quê hương, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, Tỉnh ủy Hưng Yên đã nghiêm túc quán triệt lời dạy của Bác tới các chi, đảng bộ cơ sở; phát động phong trào thi đua trong toàn dân xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa. Từ trong phong trào, đã xuất hiện 6 gia đình thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ, tự giao ước thi đua với nhau xây dựng gia đình thành những gia đình tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, chấp hành đường lối chính sách của nhà nước. Mô hình nhanh chóng lan rộng ra toàn tỉnh và cả miền Bắc xã hội chủ nghĩa lúc đó. Phong trào xây dựng nếp sống mới, gia đình văn hóa là động lực quan trọng thúc đẩy phong trào: "tứ hóa" (thủy lợi hóa, hợp tác hóa, bổ túc văn hóa, quân sự hóa) và các mặt công tác khác cùng tiến bộ, góp phần củng cố hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa miền Bắc, chi viện đắc lực sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất Tổ quốc, được Bác Hồ ưu ái về thăm 10 lần, 3 lần Người thưởng Cờ thi đua luân lưu: "Làm thủy lợi khá nhất", tặng lá cờ "Làm công tác giao thông vận tải nông thôn khá nhất", được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thưởng lá cờ "Dẫn đầu công tác bổ túc văn hóa". Giương ngọn cờ tiên phong đi tham gia phát triển kinh tế, phát triển văn hóa ở miền núi phía Bắc; thực hiện điện khí hóa, cơ giới hóa nông thôn sớm nhất; thành công việc nuôi ong lấy mật ở đồng bằng để bồi dưỡng sức dân, được nhà nước thưởng Huân chương lao động hạng Ba; "mở hội làm giàu", thi đua với hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình) đuổi kịp và vượt mức sống trung nông lớp trên. Ba điển hình "trai gái Đại Phong" và kiện tướng thủy lợi được phong Anh hùng lao động là Phạm Thị Vách, Vũ Thị Tỵ, Lê Thị Lục được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều lãnh tụ khác khen là "Tỉnh thực hiện sáng tạo nhất Nghị quyết Trung ương năm (Đại hội III) ở đồng bằng sông Hồng".
Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đang tích cực phấn đấu thi đua hoàn thành tốt các phong trào sản xuất giỏi, chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, thực hiện Nghị quyết số 504- NQ/TVQH của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 26/01/1968, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương được hợp nhất thành tỉnh Hải Hưng. Tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác và Di chúc của Người (sau khi Bác qua đời ngày 2-9-1969), trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, biến đau thương thành hành động cách mạng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã tích cực phấn đấu trên mặt trận sản xuất với phong trào “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, tiếp tục củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, xây dựng các cánh đồng 5 tấn, các công trình thuỷ lợi được tu bổ, nâng cấp ngày càng vững chắc hơn, tốt hơn, xây thêm nhiều trạm bơm điện, tập trung cao nhất sức người sức của để chi viện cho miền Nam, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Hưng Yên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương lao động hạng Nhất, cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong phong trào “Quân sự hoá”, Hưng Yên nhiều năm dẫn đầu Quân khu Tả ngạn. Nhiều địa phương, đơn vị và cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương, huy chương, được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang, danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Từ năm 1954 đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 18 lần tặng cờ, bằng khen, ký Sắc lệnh tặng Huân chương lao động, cùng nhiều tặng phẩm khác dành cho các tập thể của Hưng Yên; có 67 cá nhân vinh dự được nhận Huy hiệu, bằng khen và tặng phẩm của Người.
II - Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên tiếp tục học tập, vận dụng có hiệu quả những lời dạy của Bác trong giai đoạn hiện nay
Sau gần 30 năm hợp nhất với tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng (1968-1996), ngày 1/1/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, bước vào một giai đoạn phát triển mới. Mang theo vinh dự và ý thức trách nhiệm của một vùng quê văn hiến, cách mạng, quê hương của bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã phát huy mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đưa công cuộc đổi mới phát triển một cách toàn diện và đồng bộ. Sau 20 năm tái lập tỉnh (1997 - 2017), được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã quyết tâm, đoàn kết phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu đã đề ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Từ một tỉnh thuần nông, điểm xuất phát kinh tế thấp, đến nay Hưng Yên đã xây dựng được một nền tảng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, vững chắc. Nhu cầu ăn, ở, đi lại, học hành, khám chữa bệnh, điện, nước và hưởng thụ văn hoá của nhân dân được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người tăng. Các lĩnh vực xã hội có tiến bộ. Chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, năng lực điều hành của các cấp chính quyền và năng lực vận động, tập hợp đoàn viên của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân không ngừng được củng cố.
Học tập và làm theo Bác, Đảng bộ Hưng Yên luôn chăm lo giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong xã hội, giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng; cùng với chăm lo phát triển kinh tế, thường xuyên quan tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương năm (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Chỉ thị 08-CT/TU của Tỉnh ủy về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Phát huy thế mạnh, Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa. Ngày 29/9/2007, tại Hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất, Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch đã tặng thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long, huyện Yên Mỹ bức trướng mang dòng chữ "Nơi khởi nguồn phong trào xây dựng gia đình văn hóa" (1962 - 2007). Trên địa bàn toàn tỉnh có 1.778 di tích các loại, trong đó 169 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia (là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về số lượng di tích được xếp hạng cấp Quốc gia). Quần thể khu di tích Phố Hiến hiện còn bảo tồn, lưu giữ được hơn 100 di tích lịch sử - văn hóa có giá trị; 20 di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia; trong đó, 16 di tích đình, đền, chùa, văn miếu tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật như: Chùa Chuông, Văn miếu Xích Đằng, đền Mẫu, đền Trần, đền Tân La… hợp thành Khu di tích Phố Hiến năm 2015 được Nhà nước xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đó là những tài sản quý báu, chứa đựng và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc ở vùng đất Hưng Yên.
Kinh tế hàng năm tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước, với GRDP tăng bình quân giai đoạn 1997 - 2005 đạt trên 12%/ năm, giai đoạn 2006 - 2010 đạt 11,74%, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 7,85%, năm 2016 đạt 8,1%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng: Công nghiệp, xây dựng 49,7% - Thương mại, dịch vụ 37,1% - Nông nghiệp 13,2% (năm 1997: Công nghiệp, xây dựng 20,26% - Thương mại, dịch vụ 27,87% - Nông nghiệp 51,87%). Toàn tỉnh thu hút 1.438 dự án đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ với tổng nguồn vốn đăng ký hơn 97,9 nghìn tỷ đồng và 3,5 tỷ USD. Tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh là 7.099 doanh nghiệp. Năm khu công nghiệp được xây dựng và đang hoạt động hiệu quả với tỷ lệ lấp đầy khá, trong đó Khu Công nghiệp Thăng Long II được đánh giá là một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp. Các ngành, lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp có thương hiệu, giá trị gia tăng cao, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường được giữ vững và phát triển. So với khi tái lập tỉnh, thu ngân sách nhà nước của Hưng Yên ước tăng gấp hơn 130 lần, đạt 9.458 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 6.687 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 11 lần, đạt trên 44,5 triệu đồng/người/năm. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng cao, đạt giá trị hơn 3,2 tỷ USD, gấp 640 lần lúc tái lập. Đó là những điều kiện mang ý nghĩa tiền đề để từ năm 2017, Hưng Yên vinh dự đón nhận trọng trách Trung ương giao là một trong số ít các tỉnh kể từ năm 2017 tự cân đối thu - chi và có đóng góp với ngân sách Trung ương.
Cùng với quá trình phát triển công nghiệp, nông nghiệp đã luôn được tỉnh quan tâm phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Giá trị thu được trên 1 ha đất canh tác trên 162 triệu đồng/năm. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Giai đoạn 2011 - 2016, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới đạt trên 30 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, bình quân toàn tỉnh đạt trên 16,1 tiêu chí/xã; 60 xã đạt 19 tiêu chí, trong đó, 44 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt.
Hạ tầng giao thông - vận tải của tỉnh được đầu tư mạnh, phát triển nhanh, đồng bộ và hiện đại. Những cây cầu lớn như: Yên Lệnh, Hưng Hà vượt sông Hồng, cùng nhiều tuyến đường trọng điểm đã và đang hoàn thành đưa vào sử dụng, như: Đường Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua Hưng Yên) kết nối cùng tuyến Quốc lộ 5A, đường sắt Hà - Hải; đường liên tỉnh Dân Tiến - Khoái Châu đi Thanh Trì - Hà Nội; đường đê tả sông Hồng; đường tỉnh 376 (đường 200 cũ); đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cầu Giẽ - Ninh Bình… đã và đang hình thành những tuyến giao thông huyết mạch kết nối và lan toả không những trong tỉnh mà còn trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, qua đó đã thúc đẩy giao thương, sản xuất phát triển, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư và đẩy mạnh quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh; là động lực to lớn để Hưng Yên phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 32%; thành phố Hưng Yên cơ bản đạt đô thị loại II, huyện Mỹ Hào được công nhận đô thị loại IV và đang trình đề nghị công nhận là thị xã, 15 xã, thị trấn đạt đô thị loại V. Nằm liền kề trung tâm thủ đô Hà Nội, hấp thu sự lan tỏa mạnh mẽ quá trình đô thị hóa của vùng thủ đô Hà Nội, trên địa bàn huyện Văn Giang đã và tiếp tục hình thành những đô thị hiện đại, kiểu mẫu kết nối với đô thị của Hà Nội. Điển hình là Khu đô thị Ecopark, đoạt 3 giải tại lễ trao Giải thưởng Bất động sản Quốc tế năm 2015 diễn ra tại Luân Đôn - Anh.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Giáo dục - đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 288 trường học đạt chuẩn quốc gia. Hưng Yên là tỉnh thứ 6 trong toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỉnh thứ 7 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. Khu đại học Phố Hiến đã có 4 trường đại học đã và đang đầu tư xây dựng; Đại học Y khoa Tôkyô, Đại học Anh Quốc Việt Nam tại Khu đô thị Ecopark được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, cùng với các trường đại học, trường chuyên nghiệp, dạy nghề hiện có, là cơ sở để Hưng Yên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường với chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 76,6%. Tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên 74 tuổi. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từng bước đi vào chiều sâu; 86% số làng, khu phố văn hóa, 89% số gia đình văn hoá. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,65%. Chính sách xã hội được quan tâm, chăm lo thực hiện đầy đủ và kịp thời; tuyệt đại đa số hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại địa phương. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, quốc phòng - quân sự địa phương được thực hiện toàn diện. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Toàn Đảng bộ tỉnh có 14 đảng bộ trực thuộc, 601 tổ chức cơ sở đảng và gần 6,5 vạn đảng viên. Bình quân hàng năm đạt trên 78% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng cao, với tỷ lệ chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh đạt 83%. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác trong toàn Đảng bộ và toàn xã hội đã có những chuyển biến quan trọng về nhận thức và hành động. Ngày càng xuất hiện nhiều những việc làm tốt, mô hình hay, phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, những gương điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Hàng trăm tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, những tấm gương với việc làm cụ thể, có ý nghĩa thiết thực, sức lan toả và ý nghĩa giáo dục cao đã được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng và tuyên truyền, nhân rộng. Nhiều tấm gương điển hình làm theo Bác của Hưng Yên đã được báo cáo điển hình toàn quốc, nhiều mô hình tiêu biểu trở thành địa chỉ học tập của các địa phương bạn. Kết quả các hoạt động trên góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân, gắn bó giữa Đảng với nhân dân, nâng cao nhận thức và đồng thuận trong toàn xã hội thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế phấn khởi tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới xây dựng quê hương đất nước do Đảng lãnh đạo…
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 03-KH/TW ngày 25/7/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đang có những việc làm sáng tạo gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Bác với thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; các chương trình, đề án của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động, các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị… tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, quyết tâm xây dựng Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngọc Anh - ĐUK
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy