NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18/11/1930 - 18/11/2024) ! ĐOÀN KẾT, ĐOÀN KẾT, ĐẠI ĐOÀN KẾT! THÀNH CÔNG, THÀNH CÔNG, ĐẠI THÀNH CÔNG!
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Đăng ngày: 16/01/2018 - Lượt xem: 405
Hiệu quả của việc luân chuyển cán bộ không là người địa phương

Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI và XII) đều chỉ rõ, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thật sự sâu sát cơ sở, cục bộ, bè phái, ...

Hiệu quả của việc luân chuyển cán bộ không là người địa phương

         Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, cấp ủy các cấp đã triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quyết liệt luân chuyển cán bộ gắn với bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương. Thực tế ở nhiều nơi cho thấy, chủ trương này tạo ra hiệu quả tốt.

         Cá nhân trưởng thành, công việc hiệu quả

         Công việc hằng ngày của đội ngũ cán bộ, công chức, kể cả Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND phường 2, TP Cao Lãnh (Ðồng Tháp) Thái Văn Lành xem ra không quá bận rộn, khó khăn mà lại hiệu quả hơn nhiều so với trước đây, cùng với đó còn được thành phố ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2017, sau một năm Chánh Văn phòng HÐND, UBND thành phố Cao Lãnh Thái Văn Lành được luân chuyển về phường 2, sáng kiến ứng dụng mạng xã hội za-lô trong công tác của anh đã được nhân rộng. Việc kết nối theo các nhóm: Ban Thường vụ Ðảng ủy, Ban Chấp hành Ðảng bộ, HÐND, UBND và các đoàn thể chính trị - xã hội, đại biểu HÐND, công chức và người hoạt động không chuyên trách. Lực lượng công an của phường cũng kết nối za-lô với nhân dân để tăng hiệu quả phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

         Nhiều cán bộ, công chức và nhân dân của phường xác nhận, việc ứng dụng za-lô tiết giảm được nhiều cuộc họp trực tiếp, tiết kiệm giấy mời; thông tin, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ từ người đứng đầu đến đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách nhanh và gọn hơn, nâng cao hiệu quả trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, phục vụ nhân dân tốt hơn.

         Người dân của phường sinh sống ở xa khi muốn xác nhận tình trạng hôn nhân, chỉ cần cung cấp thông tin, chụp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân gửi qua za-lô, và chỉ một lần về bộ phận một cửa của phường để nhận kết quả. Ðồng chí Thái Văn Lành còn chủ động kết nối za-lô với Doanh tâm hội quán (Hội các chủ doanh nghiệp trên địa bàn). Từ đầu năm đến nay, hội quán đã ủng hộ hàng chục triệu đồng để cùng phường lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, tạo thêm điểm nhấn trang trí tại các tổ dân phố bằng những giàn hoa, đường hoa tươi.

         Năm 2014, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Châu Ðốc Huỳnh Hoa Hường, thạc sĩ quản lý công, được luân chuyển về làm Bí thư Ðảng ủy xã Vĩnh Tế, TP Châu Ðốc (An Giang). Với kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm làm chuyên viên Văn phòng Thành ủy, Bí thư Thành đoàn và khi luân chuyển, được sang nhiệm vụ mới này, đồng chí đã khẩn trương tiếp cận toàn diện các mặt công tác, bám cơ sở, gần gũi với nhân dân. Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tế Ngô Văn Trung, từ khi đồng chí Huỳnh Hoa Hường về làm Bí thư không những khắc phục được biểu hiện cục bộ trong công tác cán bộ, mà còn giúp cấp ủy, chính quyền xã tiếp thu những vấn đề mới, tích cực trong tư duy, thay đổi lề lối, tác phong công tác của cán bộ, công chức và phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của các chi bộ nông thôn ở đây.

         Nói về bài học khi đi luân chuyển, các đồng chí Trần Thị Thủy Trân, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy An Giang; Phan Văn Thương, Chủ tịch UBND thành phố Cao Lãnh (Ðồng Tháp); Lâm Quang Thi, Bí thư Thành ủy Châu Ðốc (An Giang); Trần Anh Thơ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang (từng được luân chuyển qua nhiều vị trí công tác), cho rằng, ngoài sự giúp đỡ của tập thể cấp ủy nơi đến, cán bộ được luân chuyển phải biết kết hợp hài hòa yếu tố chuyên môn, tính chuyên nghiệp với công tác dân vận. Thường xuyên gần gũi người dân, sâu sát cơ sở, chịu khó tìm hiểu, học hỏi từ cách nói chuyện, nếp nghĩ của người dân, từ đó xây dựng cách thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp, hiệu quả. Trong công việc cũng như trong lối sống, luôn nêu gương, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm.

         Khắc phục yếu kém trong công tác cán bộ

         Ðồng chí Nguyễn Tôn Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang cho biết, trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển 554 cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có 38 đồng chí luân chuyển từ tỉnh về quận, huyện, 33 đồng chí từ quận, huyện lên tỉnh, 81 đồng chí từ quận, huyện về xã, phường, 78 đồng chí ở xã, phường lên quận, huyện và luân chuyển ngang 322 đồng chí (sở, ngành, quận, huyện, xã, phường). Sau thời gian luân chuyển, phần lớn cán bộ phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, sở trường công tác, tiếp cận nhanh với nhiệm vụ mới, tiến bộ trong nhận thức, có phương pháp chỉ đạo, điều hành sâu sát và toàn diện hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định nội bộ, được đông đảo cán bộ, đảng viên đồng tình đánh giá cao. Công tác luân chuyển cán bộ được tỉnh An Giang gắn với mở rộng việc bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt không là người địa phương. Trong đó, cấp tỉnh đã thực hiện được 3 trong số 9 chức danh (Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Hải quan, Cục Thuế); cấp huyện đã thực hiện 8 trong số 9 chức danh, gồm: Bí thư (6 trong tổng số 11 huyện), Chủ tịch UBND (3 trong tổng số 11 huyện), Chánh án Tòa án nhân dân (5 trong tổng số 11), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (6 trong tổng số 11), Chánh Thanh tra (3 trong tổng số 11); Trưởng phòng Tài chính (3 trong tổng số 11), Chi cục trưởng Chi cục Thuế (5 trong tổng số 11); riêng vị trí Trưởng Công an toàn bộ 11 huyện đều không là người địa phương.

         Ðể tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển được rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, trưởng thành nhanh và toàn diện, vững vàng hơn, vừa từng bước điều chỉnh hợp lý việc bố trí, tăng cường được nguồn lực cho những nơi có nhu cầu cấp bách, nhất là khu vực nông thôn, vùng khó khăn, Tỉnh ủy Ðồng Tháp tổ chức gặp gỡ và trao đổi với cán bộ được dự kiến luân chuyển để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ; trao đổi, thông tin về đơn vị, địa phương dự kiến luân chuyển cán bộ đến. Khi có quyết định luân chuyển, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra thông báo giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ được luân chuyển. Trong thời gian luân chuyển, định kỳ hoặc đột xuất, Thường trực Tỉnh ủy gặp gỡ, nắm tình hình, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ được luân chuyển. Ðồng chí Phan Văn Thắng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Ðồng Tháp cho biết, thời gian qua, toàn bộ 24 đồng chí cấp tỉnh được luân chuyển đều không là người địa phương, không có đồng chí vi phạm kỷ luật hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.

         Thực tế ở các tỉnh An Giang và Ðồng Tháp cho thấy, phần lớn cán bộ luân chuyển còn trẻ, có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kịp thời nắm bắt tình hình, xác định rõ những hạn chế của địa phương và nhiệm vụ của bản thân, từ đó xây dựng kế hoạch cùng tập thể cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đạt hiệu quả. Việc luân chuyển cán bộ đã góp phần bổ sung, điều chỉnh cơ cấu đội ngũ cán bộ, bảo đảm bố trí, sử dụng cán bộ trên địa bàn hợp lý hơn; khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ; kịp thời bổ sung, thay thế một số đồng chí lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ.

         Tuy nhiên, công tác luân chuyển cán bộ ở các địa phương nêu trên thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Ðó là số lượng cán bộ được luân chuyển nhìn chung còn ít; việc đánh giá cán bộ trước luân chuyển một số trường hợp chưa đầy đủ hoặc thời gian luân chuyển ngắn, cho nên cán bộ chưa có điều kiện phát huy năng lực, sở trường. Thực hiện luân chuyển cán bộ chưa thành nền nếp, nhất là giữa ngành này qua ngành khác và giữa các huyện, thị xã, thành phố. Một số trường hợp còn vướng về điều kiện, tiêu chuẩn và biên chế. Cán bộ được luân chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác chưa được tập huấn, hướng dẫn công việc cần thiết, vì thế lúng túng hoặc thiếu mạnh dạn trong quản lý, điều hành. Ở cấp cơ sở còn khó khăn trong việc luân chuyển cán bộ trong nội bộ do vướng mắc về chế độ, chính sách giữa các vị trí là cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách,…

         Ðể công tác luân chuyển cán bộ thời gian tới đi vào nền nếp, chủ động đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, các cấp ủy đảng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trên tinh thần bám sát các nội dung của Quy định số 98-QÐ/TW của Bộ Chính trị (ngày 7-10-2017) về luân chuyển cán bộ. Trong đó, chú ý mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc, phạm vi, đối tượng, chức danh luân chuyển, tiêu chuẩn, điều kiện thẩm quyền, trách nhiệm cán bộ luân chuyển, của cấp có thẩm quyền quyết định luân chuyển, của cơ quan nơi đi, nơi đến và các cơ quan liên quan. Ðây cũng là một trong những giải pháp để việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng đạt hiệu quả hơn.

 

HOÀNG LÂM

Tin liên quan