Ðồng chí Trần Ðăng Quế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy Cư M’gar được luân chuyển về làm Bí thư Ðảng ủy thị trấn Ea Pốc năm 2015. Nhận nhiệm vụ, đồng chí Quế không khỏi lo lắng vì thị trấn Ea Pốc nằm gần trung tâm huyện, với 16 thôn, buôn, hơn 3.400 hộ, 16 nghìn nhân khẩu, trong đó hơn một nửa là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thị trấn chỉ có hai tuyến đường nhựa dẫn vào buôn Ea Sút và buôn Pốc A, còn lại là đường đất. Hệ thống kênh mương dẫn nước chưa được kiên cố hóa, nước thất thoát nhiều, cho nên vào mùa khô thường xuyên xảy ra thiếu nước sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tệ nạn xã hội phức tạp nảy sinh, nhiều vấn đề bức xúc được nhân dân kiến nghị nhưng giải quyết chậm; nội bộ mất đoàn kết kéo dài...
Sau thời gian ngắn nắm tình hình, đồng chí Trần Ðăng Quế cùng với Ðảng ủy, chính quyền, các đoàn thể hướng về cơ sở, tập trung giải quyết ngay những vấn đề bức xúc trong nhân dân. Từ năm 2015 đến nay, thị trấn kiến nghị huyện đầu tư kiên cố hóa hàng chục ki-lô-mét kênh mương chính ở cánh đồng hướng đông và hướng tây, giúp cung cấp đủ nước tưới cho hàng trăm héc-ta lúa nước. Thị trấn huy động các nguồn vốn, trong đó nhân dân đóng góp khoảng một nửa kinh phí làm hơn 10 km đường bê-tông ở các thôn, buôn.
Vai trò của chi bộ, ban tự quản, tổ an ninh xã hội, tổ hòa giải... các thôn, buôn được phát huy, kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tham mưu Ðảng ủy, UBND thị trấn giải quyết nhiều vụ việc như tranh chấp đất đai, thực hiện chính sách hỗ trợ hạn hán, các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, đấu tranh, xử lý các đối tượng xấu xúi giục bà con DTTS vượt biên trái phép. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh... góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo.
Năm 2017, đồng chí Hà Mạnh Khánh, Bí thư Ðảng ủy xã Ðray Bhăng được điều chuyển sang làm Bí thư Ðảng ủy xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin. Hòa Hiệp là xã đặc thù, bà con giáo dân chiếm tới 93% số dân toàn xã. Xã có quốc lộ 27 đi qua, có đoạn sông Krông Ana chảy qua và tiếp giáp với huyện Krông Bông nên tình trạng khai thác cát trái phép làm sạt lở đất sản xuất, gây bức xúc trong nhân dân. Xã được huyện chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng một số tiêu chí nhiều năm liền vẫn chưa đạt... Ðồng chí Khánh cùng các đồng chí trong Thường trực Ðảng ủy, UBND xã tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân ở từng thôn, buôn, để tìm cách tháo gỡ. Là cán bộ lãnh đạo năng động, có nhiều kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm, nhất là không phải người địa phương nên trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng chí không có điều gì phải lấn cấn, đã cùng với Ðảng ủy, UBND xã tích cực giải quyết được nhiều việc bức xúc.
Ðảng ủy chỉ đạo thành lập ban quản lý để điều tiết nước, quy hoạch lại cây trồng và hướng dẫn nhân dân chuyển đổi mùa vụ phù hợp, từ đó không còn xảy ra tình trạng khô hạn cục bộ trên cánh đồng lúa nước 50 ha. Buôn Chư K’nao có 121 hộ đồng bào Ê Ðê, nhưng nhiều năm qua không có nghĩa trang; khi trong buôn có người mất đều phải đưa sang địa phương khác chôn cất. Sau khi đối thoại, nắm được tâm tư nguyện vọng của bà con, giữa năm 2017, xã Hòa Hiệp đã quy hoạch nghĩa trang.
Ðối với ba tiêu chí NTM chưa hoàn thành là văn hóa, giáo dục và xây dựng hệ thống chính trị, xã đề xuất và được UBND huyện đầu tư 14 tỷ đồng xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất trường học. Chính quyền hỗ trợ, nhân dân đóng góp xây dựng hội trường cho hai thôn còn lại, công tác xây dựng Ðảng được tăng cường. Nhờ vậy, đến cuối năm 2017 cả ba tiêu chí hoàn thành và Hòa Hiệp được công nhận xã NTM đầu tiên của huyện Cư Kuin... Những chuyển biến đó khiến người dân rất yên tâm, phấn khởi.
Những năm qua, tỉnh Ðác Lắc đẩy mạnh thực hiện điều động, luân chuyển bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương ở nhiều huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn. Ðồng chí Lê Thái Dũng, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin cho biết, huyện đã bố trí bí thư của 5 trong số 8 xã không phải người địa phương. Ðến nay, tất cả các đồng chí này đều phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tạo được những chuyển biến tích cực ở cơ sở, nhất là về phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết bức xúc trong nhân dân.
Một số xã còn khắc phục được tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ kéo dài trước đây. Theo kinh nghiệm của huyện Cư Kuin, để thực hiện tốt công tác điều động, luân chuyển, Thường trực và Ban Thường vụ Huyện ủy phải nắm chắc cán bộ, biết rõ năng lực, sở trường, tính cách của từng người để bố trí cho phù hợp, đúng người, đúng việc. Khi dự kiến phương án điều động, luân chuyển, cần khảo sát tình hình ở địa phương để tạo sự thống nhất, đồng thuận. Ðồng thời, cần làm tốt công tác tư tưởng, tạo điều kiện thuận lợi về chế độ, chính sách để các cán bộ được điều động yên tâm công tác.
Môi trường đào tạo, rèn luyện cán bộ
Ðối với cấp huyện, đã có 11 trong tổng số 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Ðác Lắc bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương; trong đó, Cư Kuin và Cư M’gar là hai huyện thực hiện sớm việc này. Ðến nay, kinh tế - xã hội của hai địa phương chuyển biến tốt, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Nhiều xã vùng sâu, vùng đồng bào DTTS, vùng đồng bào theo đạo vươn lên đạt chuẩn NTM; đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định... Ðồng chí Y Thek Niê, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cư M’gar cho biết: Các đồng chí luân chuyển về địa phương giữ cương vị bí thư cấp ủy đã cùng Ban Thường vụ Huyện ủy đổi mới phương pháp, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; kịp thời ban hành các chủ trương, quyết sách đúng đắn; lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tổ chức đối thoại với nhân dân các địa phương và dồn sức tháo gỡ khó khăn.
Hoạt động của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đều có chuyển biến rõ nét, hướng mạnh về cơ sở. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được thực hiện hiệu quả như sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cải tạo vườn tạp, đa dạng hóa cây trồng ứng phó với biến đổi khí hậu; đổ bê-tông đường giao thông nông thôn; lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của chi bộ thôn, buôn; xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa tiêu biểu, xã đạt chuẩn NTM... Ðến nay Cư M’gar đã có 6 trong số 15 xã đạt chuẩn NTM, đến cuối năm 2018 thêm bốn xã đạt chuẩn NTM và phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ðác Lắc Phạm Minh Tấn cho biết: Chủ trương luân chuyển, điều động, bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương được tỉnh Ðác Lắc từng bước thực hiện từ nhiều năm qua, tạo được sự thống nhất trong cán bộ, đảng viên, đến nay đã trở thành việc làm thường xuyên tại các xã, phường, thị trấn và huyện, thị xã, thành phố. Tại những địa phương, bí thư cấp ủy không phải người địa phương đã khắc phục đáng kể tư tưởng bảo thủ, bè phái, cục bộ, có những thay đổi đáng kể trong tác phong, phương pháp, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên. Từ các đồng chí điều động, luân chuyển đến các cán bộ, đảng viên khác đều nâng cao ý thức trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Các cán bộ được điều động, luân chuyển có tinh thần khắc phục khó khăn và ý thức giữ gìn, phấn đấu, cống hiến tốt khi đến môi trường công tác mới, giúp nhiều cán bộ trưởng thành. Nhiều đồng chí sau thời gian điều động, luân chuyển được chuyển về làm trưởng các ban, ngành của tỉnh, của huyện hoặc giữ vị trí cao hơn. Ðể giảm bớt khó khăn cho cán bộ thuộc diện điều động, luân chuyển trong thực hiện nhiệm vụ mới, tỉnh Ðác Lắc đã ban hành các chính sách như: bố trí nhà công vụ, hỗ trợ lần đầu, hỗ trợ thêm hằng tháng, hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền xăng xe đi lại, nâng lương trước thời hạn một năm...
Những kết quả đạt được trong công tác bố trí bí thư cấp ủy không phải người địa phương thời gian qua là cơ sở quan trọng để Tỉnh ủy Ðác Lắc tiếp tục cân nhắc từng bước thực hiện việc bố trí chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã và cấp cơ sở không phải người địa phương theo chủ trương của Trung ương, góp phần tạo chuyển biến mạnh về tác phong công tác của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp.