Hoàng Thái hậu Ỷ Lan (1044-1117)
Hoàng Thái hậu Ỷ Lan tương truyền có tên là Lê Thị Khiết, còn có tên là Lê Thị Yến. Bà sinh năm Giáp thân, Thiên Cảm Thánh Võ thứ nhất (1044) tháng 3 ngày 7. Nguyên quán trại trang Thổ Lỗi (hương Siêu loại) nay thuộc xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm. Con gái ông Lê Công Thiết và bà Vũ Thị Tình, làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm. Năm bà 12 tuổi thì mẹ mất. Hai năm sau Lê Công Thiết lấy một người con gái họ Đồng làm vợ kế. Năm bà 16 tuổi, cha cũng qua đời, nhờ bà mẹ kế nuôi dạy.
Bấy giờ đương thời Lý Thánh Tông (1023 - 1072) đã cao tuổi mà chưa có con trai. Vua và hoàng hậu đi cầu tự nhiều nơi nhưng không thành. Đình thần bèn mở hội cầu duyên ở hương Thổ Lỗ, chỉ dụ cho các làng trong vùng mở hội thông sức cho nhà dân có con gái đẹp phải ăn vận chỉnh tề đi dự hội.
Vua ngự giá đến trang Thổ Lỗi. Khi xa giá tới cổng ở đầu làng, nghe có tiếng hát rất quyến rũ của một người con gái trong nương dâu. Vua cho hạ kiệu đi bộ, thì người con gái dừng tay, từ trong ruộng dâu đi ra nép vào một gốc dâu nhìn về phía xa giá. Vua truyền lệnh gạn hỏi. Người con gái đối đáp thông minh. Đó chính là Khiết nương. Vua truyền lệnh tuyển cô gái ấy vào cung, rước về Lan cung thuộc đất làng Kim Cổ, huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long. Từ đó Khiết Nương có tên là Ỷ Lan.
Trong cung bà được học hành, khi sinh người con trái thứ nhất là Càn Đức, được phong là Thần phi, sinh người con trai thứ hai là Minh Nhân Vương, bà được phong là Nguyên phi. Đến khi vua Lý Thánh Tông mất, Càn Đức lên nối ngôi, lấy hiệu là Nhân Tông, bà được phong là Hoàng Thái hậu.
Ỷ Lan đã hai lần làm nhiếp chính:
Lần thứ nhất vào năm 1069. Tương truyền năm ấy, Lý Thánh Tông mang quân đi đánh giặc phương Nam nhưng không thắng, bèn đem quân về. Đến Mạt Liên (Tiên Lữ bây giờ) Lý Thánh Tông nghe tin báo rằng Nguyên Phi Ỷ Lan đã giúp vào chính sự, trong nước yên ổn, lòng dân vui vẻ, được nhân dân quý trọng, tôn vinh. Lý Thánh Tông nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông thì chẳng được việc gì”. Vua liền quay lại Nam chiến và đã chiến thắng. Trong sự nghiệp chấn hưng đất nước của Lý Thánh Tông, có vai trò không nhỏ của Nguyên phi Ỷ Lan.
Lần thứ hai khi Lý Thánh Tông mất (1072), Lý Nhân Tông (Càn Đức) mới 7 tuổi lên ngôi vua, bà được tôn làm Hoàng Thái phi, rồi Hoàng Thái hậu. Là một phụ nữ tài trí, đức độ, lại được Lý Thường Kiệt ủng hộ nên Hoàng Thái hậu đã có những đóng góp tích cực vào cơ nghiệp nhà Lý.
Trong tám đời vua triều Lý, Lý Nhân Tông là người có chiến công hiển hách nhất. Dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt, quân dân Đại Việt đã đánh tan quân xâm lược Tống năm 1076, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Quốc gia Đại Việt dưới thời Lý Nhân Tông trị vì, đối với bên ngoài thì nước lớn kiêng nể, nước nhỏ mến phục, trong nước thái bình, nhân dân no ấm.
Về nội trị, bà ban hành nhiều chính sách tiến bộ như chuộc nô tỳ, tha cung nữ, giảm tô thuế, cấm giết trâu bò. Là người hâm mộ đạo Phật, có công xây dựng hàng trăm ngôi chùa, am hiểu về Phật học, không thua kém các thiền sư nổi tiếng đương thời. Bà có viết một bài học:
Sắc thị không, không tức sắc
Không thị sắc, sắc tức không
Sắc không quân bất quản
Phương đắc khế chân không
Nghĩa là:
Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc không đều chẳng quản
Mới được hợp chân tông.
Với bài kệ này, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan được các nhà nghiên cứu văn học xếp vào hàng tác gia văn học thời Lý - Trần.
Bà mất ngày 25 tháng 7 năm 1117. Tại quê hương và nhiều nơi đã xây dựng chùa tháp, đền thờ bà. Cùng với những ngôi đền lớn thờ bà ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), hiện ở Hưng Yên có hai ngôi: Đền Ghênh Thị Trấn Như Quỳnh và chùa Hương Lãng xã Minh Hải đều thuộc huyện Văn Lâm.