Câu ví sánh có tuổi hơn 300 năm này, trong khi xác định vị thế và giá trị lịch sử của Phố Hiến là chỉ đứng sau Kinh đô Thăng Long thôi, thì cũng đã đồng thời khẳng định bản chất và thực chất của Phố Hiến, là một trong số hiếm ít đô thị cổ của đất nước xưa...
Tên gọi “ít ai ngờ”
Ít ai ngờ rằng từ “Phố” trong tên gọi “Phố Hiến”, nghĩa gốc - như ở trường hợp nói “căn phố” - lại chỉ là: Một cái cửa hàng, tức là: Một căn nhà chứa và bán hàng hóa.
Bây giờ, nhiều cửa hàng như thế xếp kề hoặc liền nhau thành một chuỗi, thì tập hợp hàng dọc của những “phố” (căn phố) như thế, sẽ gọi là “dãy phố”. Dãy phố mà gọi tắt đi, là “phố”!
Còn “Hiến” thì, đầu tiên là một chức quan được gọi tắt. Tên đầy đủ của chức quan đó là: “Hiến sát sứ”, được đặt vào và từ năm 1473, với 32 nhiệm vụ, trong đó ở hàng đầu, là: Tâu bầy, đàn hặc, khám đoán, xét hỏi, hội đồng, khảo khóa, tuần hành…
Nơi làm việc của một quan Hiến sát sứ như thế, gọi là “Hiến ty”, hoặc “Hiến doanh” (Hiến dinh). Thời nhà Lê (thế kỷ XV), cả nước chia ra thành 12 địa phương, gọi là “Thừa tuyên”. Mỗi “Thừa tuyên” đặt bộ máy cai trị, gồm 3 cơ quan là: Thừa ty, Đô ty và Hiến ty.
Như vậy, uyên nguyên và căn cốt, “Phố Hiến” là nơi có “Phố” (dãy phố) tức đô thị mà ở đó, triều đình ngày xưa đặt “Hiến ty” (hoặc: “Hiến doanh” (Hiến dinh=dinh Hiến) của quan Hiến sát sứ để quản lý.
Tam giác châu thổ sông Hồng -“Chiếc nôi của lịch sử và văn hóa dân tộc” có ba đỉnh, đều ở trên trục (dòng chảy) của sông Hồng, từ Tây Bắc xuống Đông Nam, từ thượng lưu ra biển cả.
Thứ nhất, ở cao nhất, và lâu đời nhất, là chỗ sông Hồng gặp sông Lô, sông Đà: Việt Trì. Kinh đô Văn Lang thời các Vua Hùng vì thế đặt ở đấy, từ thời gian trước Công nguyên. Thứ hai, ở quãng giữa, nơi sông Hồng gặp sông Đáy, sông Đuống…, cũng chính là nơi xuất hiện Kinh đô Thăng Long, giữa thời trung cổ, thế kỷ X sau Công nguyên. Thứ ba, ở quãng dưới, nơi sông Hồng gần ra tới biển rồi thì gặp sông Luộc, nối với sông Thái Bình. Chỗ này, bởi vậy là nơi lý tưởng để đặt đô thị cổ Phố Hiến, ở về cuối thời trung cổ.
Phù hợp với quy luật bồi đắp châu thổ sông Hồng theo dòng chảy của thời gian và dòng chảy của sông Mẹ (sông Cái, tức sông Hồng), Phố Hiến đã được đặt đúng vào vị trí quan trọng của nó, giữa tự nhiên và lịch sử. Lại đúng cả vào vị trí thuận lợi và cần thiết cho sự phát triển kinh tế hàng hóa (công thương), cuối thời trung cổ.
Cụ thể là những luồng hàng tại chỗ, và từ các vùng miền của Đồng bằng châu thổ sông Hồng, cả xa hơn nữa, đổ về tập kết ở đây, rất thuận đường sông nước để chuyển tiếp đi các nơi, kể cả xuôi biển, ra nước ngoài. Và, từ các nước ngoài, hàng hóa, muốn và trước khi đến trung tâm Thăng Long dừng ở đây rất tiện lợi.
Sự ra đời của Phố Hiến - với tư cách là một đô thị cổ - gắn liền với sự phát triển kinh tế hàng hóa từ thế kỷ XV, gắn liền với nhu cầu tìm một thủ phủ cho trấn (xứ) Sơn Nam. Cũng ở thế kỷ XV, triều đình nhà Lê chủ trương tạo lập bốn địa phương làm “phên giậu” bao quanh bốn hướng chính cho Thăng Long, tức là “Tứ trấn” gồm: Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Đông và Sơn Nam.
Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết: Phố Hiến xưa là Hiến doanh vì là lỵ sở của Ty Hiến sát sứ đời cố Lê. Văn bia chùa Thiên Ứng còn gọi là chùa Hiến ở Phố Hiến nói vào năm 1625 rằng: “Nhân Dục, Hoa Dương (là 2 địa danh ngày nay vẫn còn thấy ở Phố Hiến)… có hình thế nghìn dặm rồng chầu, là nơi để dân chúng tụ hội, gộp muôn nhánh về nguồn, dồn lớp sẻ bay, là đất đặt dinh trấn, ôm dải đất trong sông, lừng tiếng là nơi đóng trụ sở Ty Hiến sát của thừa tuyên Sơn Nam”.
Cũng ở bài văn bia có niên đại 1625 này, còn có câu: “Hiến Nam danh thị tứ phương đô hội tiểu Tràng An dã” (Hiến Nam nổi tiếng là nơi tiểu Tràng An của bốn phương tụ hội) vừa nói về sự phồn thịnh của Phố Hiến ở lát cắt thời gian đầu thế kỷ XVII, vừa cung cấp thêm một tên gọi nữa của Phố Hiến là “Hiến Nam”, cũng như cả một tên gọi khác nữa, là “Vạn Lai Triều”, qua câu văn bia: “Phàm người nước ngoài đến buôn bán ở đây thì gọi là Vạn Lai Triều”.
Như vậy, Phố Hiến - với nhiều tên gọi khác nhau - đến thế kỷ XVII, đã rất thịnh vượng. Sự ra đời của đô thị cổ này, tất phải từ trước đấy. Nhưng “trước đấy” là vào thời điểm cụ thể nào? Góp phần giải đáp câu hỏi này, sách “Hưng Yên địa chí” viết: “Niên hiệu Quang Hưng nhà Lê (khoảng các năm 1578 -1599) lập ra trấn Sơn Nam, đóng ở phía bắc bến đò thuộc xã Nhân Dục. Nơi ấy gọi là Phố Hiến, gần cửa biển”. Thế là, đã nhích được thời gian ra đời Phố Hiến lên cuối thế kỷ XVI.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào thời gian vua Lê Thánh Tông cho đặt 12 Ty Hiến sát ở các xứ, chính xác là vào năm 1471, thì còn có thể xác định: Phố Hiến trở thành nơi đặt Ty Hiến sát của xứ Sơn Nam, như thế là vào và từ cuối thế kỷ XV.
Nơi quần tụ quốc nội lớn lao
Dân cư vùng Phố Hiến, từ xa xưa đã là những người làm nghề nông (gồm cả ngư nghiệp) là chủ yếu, nhưng cũng thạo các nghề thủ công. Họ là những người đã tạo ra cấu trúc đầu tiên của Phố Hiến, theo hình ảnh và vị trí ở quanh ngôi chùa Hiến, mà bài “minh” ở tấm bia của chính ngôi chùa này, viết năm 1625, đã mô tả là: “Tả phường, hữu lý/ Tiền thị, hậu trang” (Bên trái là các phường, bên phải là thôn xóm/ Phía trước là chợ, phía sau là trang trại).
Dần dà theo thời gian của quá trình đô thị hóa, người từ các nơi tìm về đây làm ăn sinh sống ngày một đông. Trong số đó có những người quê gốc ở tận Bố Chính (Quảng Bình), Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Lôi Dương (Thanh Hóa), Thượng Phúc, Phú Xuyên, Chương Đức, Thanh Trì (Hà Nội), Duy Tiên (Hà Nam), Cẩm Giàng, Đường An (Hải Dương)… đã rành rẽ lưu lại đầy đủ họ tên và quê quán trên những tấm bia công đức, có niên đại thế kỷ XVII, XVIII, bây giờ vẫn còn ở Phố Hiến. Rồi người nước ngoài-đông nhất là Trung Quốc, rồi đến Nhật Bản, cả người Xiêm (Thái Lan), Mã Lai (Ma-lai-xi-a), Lữ Tống (Phi-líp-pin)… cũng tìm đến. Tận châu Âu tới, thì có người Bồ Đào Nha, Anh, Pháp và Hà Lan… Nhiều người dựng nhà riêng để ở. Nhưng đông hơn, thì đó là những người lập “hội quán” và “thương điếm”, để làm ăn, sinh sống.
Cuối cùng thì đã hình thành ở Phố Hiến 25 đơn vị “phường” (trong khi ở Thăng Long lúc ấy, số đơn vị “phường” là 36), mang những tên gọi như: Phường Hàng Bè, phường Đê Cũ, phường Ngoài Đê, phường Trong Đê, phường Sau Bia, phường Cửa Sông, phường Trong Sông, phường Ngoài Sông, phường Hàng Thịt, phường Hàng Sũ, phường Nồi Đất, phường Hàng Chén, phường Hàng Cá, phường Thuộc Da, phường Hàng Nón, phường Hàng Sơn… mà qua những tên gọi như thế này, có thể nhận diện được đến 10 đơn vị là phường thủ công. Còn tên “phường Hiến Doanh” thì cho biết rõ: Đó là phường có đặt Ty Hiến sát, quản lý hành chính cả vùng.
Vậy là, từ chỗ chỉ có hai phường (là Phú Lộc và Phúc Lộc) cộng với một cái chợ (Chợ Hiến), đến và từ cuối thế kỷ XVI, đặc biệt là trong thế kỷ XVII, Phố Hiến đã thành một thị trấn đông vui, có các bến bãi cho tàu thuyền từ mọi nơi mang hàng hóa đến đậu và cất bốc các sản phẩm đem đi, có các phường phố và chợ búa làm ăn buôn bán tấp nập, có cả tòa Dinh Hiến xênh xang, với các quan chức cùng lính tráng tề chỉnh. Và địa bàn thì cũng ngày càng rộng mở. Từ chỗ chỉ tập trung ở một góc phía tây nam của thành phố Hưng Yên bây giờ, Phố Hiến đã lan tỏa sự cư trú và hoạt động đô thị của mình tới tận phần bắc và đông bắc của thành phố hiện nay.
Những ngôi làng nghề thủ công nổi tiếng ở trên vùng trung tâm châu thổ sông Hồng, xa gần quanh Phố Hiến, như: Làng dệt lụa Vân Phong, làng đan thuyền Nội Lễ, làng đúc đồng Lộng Thượng, làng làm đường mật Bãi Giữa, làng hàng xáo Đào Đặng, làng nhuộm vải Huê Cầu, làng làm hương Cao Thôn, làng chế biến long nhãn Nễ Châu… đều đã đưa người làng và sản phẩm đến Phố Hiến góp mặt.
Bốn làng nghề buôn bán lừng danh ở Đồng bằng Bắc Bộ: Phù Lưu (Bắc Ninh), Đan Loan (Hải Dương), Đa Ngưu (Hưng Yên), Báo Đáp (Nam Định) cũng đều đến buôn bán ở Phố Hiến.
Không chỉ thế, tận trong xứ Nghệ, các làng: Phục Lễ, Phù Thạch… và mãi xa xứ Huế: Chợ phiên Cam Lộ, phố cảng Thanh Hà… cũng đều có tàu thuyền ra đến và về từ Phố Hiến, với các mặt hàng: Nước mắm thượng hạng, nón đuôi quai thao khảm bạc, trầm hương, xạ hương, sa nhân, quế quỳ, gạo tám thơm, nếp thơm, thuốc lào, thuốc bắc, giấy bút trà Tàu…
Tấm bia chùa Hiến khắc năm 1709, để lại danh sách hơn 50 xã thuộc 33 huyện miền Bắc, miền Trung, đã có người đến làm công đức cho ngôi chùa này.
Một cuộc quần tụ quốc nội lớn lao để làm động lực cho sự vận hành công năng đô thị cổ, của và ở Phố Hiến, như thế đã là rất lạ. Nhưng, còn lạ hơn nữa, là cuộc tìm đến với Phố Hiến từ quốc ngoại. Bốn khu thương điếm được lập ở Phố Hiến, của thương khách Nhật Bản (vào và từ năm 1604), Hà Lan (1637), Anh (1672), Pháp (1680), cộng với hàng loạt “hội quán” của người Trung Quốc, đã rõ ràng khiến cho đô thị cổ Phố Hiến có dáng vẻ là một “đô thị quốc tế”, với những hoạt động ngoại thương thực là rầm rộ. Chẳng hạn như năm 1670, chỉ riêng tàu buôn của Hà Lan đã mua mang đi 214.160 đồ gốm các loại. Còn thương nhân người Anh thì mua về Luân Đôn - chỉ riêng một năm 1678 - 34.300 tấm lụa!
Chỉ như một hòn cù lao nổi lên trên cả một đại dương làng mạc xóm thôn của đất nước thời trung cổ, nhưng từ cuối thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII, đặc biệt là trong suốt thế kỷ XVII - Phố Hiến đã chính là một “hỏa diệm sơn” sáng rực và nóng bỏng những hoạt động kinh tế đô thị giữa biển nước “tam nông” (nông thôn, nông nghiệp và nông dân) kích thích sự phát triển của quốc gia, dân tộc và để lại cả một hệ thống những di sản sáng giá cho ngày nay.
Di sản
Thành phố Hưng Yên hiện đại, đang chính là một đô thị trực tiếp nối dài những giá trị di sản của đô thị cổ Phố Hiến.
Chìm nổi giữa lòng thành phố là cả một hệ thống di tích văn hóa vật thể, gồm 159 di tích kiến trúc, hàng trăm tấm bia, hàng nghìn cổ vật của vùng văn hóa Phố Hiến xưa. Đặc biệt, ở những phường, xã là đất gốc của Phố Hiến xưa, thì những di tích này là dày đặc: Hồng Châu - 26 di tích, Lam Sơn - 17, Hiến Nam -16, Trung Nghĩa - 16… với đủ các lớp lang niên đại và văn hóa: Đền Mây (phường Lam Sơn) - thời Đinh; đền Tân La (xã Bảo Khê), đền Kim Đằng (phường Lam Sơn) - thời Tiền Lê; chùa Hiến (phường Hồng Châu)… thời Hậu Lê; Văn miếu - thời Nguyễn!
Những bài văn bia “chùa Nguyệt Đường” (1720), “đền Thái Bảo” (1723), “chùa Chuông” (1711), “đền Thiên Hậu”, “đền Trần” (1869), “chùa Hiến” (1625)… vừa là những tác phẩm văn chương, vừa là sử liệu quý, lưu trữ ở đó những gương sáng cuộc đời của các Hiến sát sứ Phố Hiến nổi tiếng: Lê Đình Kiên, Đặng Đình Tướng…; những bài phú như “Bán Nguyệt hồ” của Lê Cù, thơ “Đăng thự cao lâu”, “Lai triều vạn thi”, “Hoa Dương thi”, “Nguyệt Đường tự thi”… của chúa Trịnh Cương, “Vịnh Hiến Doanh”, “Vịnh Nguyệt Đường tự” của chúa Trịnh Doanh, “Vịnh Nguyệt Đường tự” của Hương Hải thiền sư, Lãn Ông Lê Hữu Trác, “Hoa Dương hoài cổ” của Phạm Đình Hổ, “Hiến Nam hoài cổ”, “Nguyệt Hồ thu dạ” của Chu Mạnh Trinh…; cùng những giai thoại, truyền thuyết, thơ văn mới… về Phố Hiến - Hưng Yên, hợp thành kho tàng di sản văn hóa phi vật thể sáng giá, cũng của và từ vùng văn hóa Phố Hiến xưa.
Tất cả, đang cùng với truyền thống đặc sắc và quý báu, của và trong công cuộc xây dựng hơn 300 năm đô thị cổ Phố Hiến, đang là tiền đề và động lực thúc đẩy sự phát triển của thành phố - tỉnh Hưng Yên ngày nay.